Nghệ thuật thêu tay truyền thống đã có từ lâu đời và hiện nay bộ môn nghệ thuật này đang có xu hướng quay trở lại. Các nhóm nhỏ, các sự kiện hay workshop dần phát triển và được tổ chức nhiều để lan tỏa nghệ thuật thêu tay truyền thống đến với nhiều người hơn. Nét đẹp này được thể hiện thông qua những đường kim mũi chỉ tạo nên những tác phẩm độc đáo, ứng dụng cao vào cuộc sống.
1. Nghệ thuật thêu tay truyền thống và lịch sử phát triển
1.1 Định nghĩa
Thêu tay truyền thống được xem như một bộ môn nghệ thuật chứa đựng tính thẩm mỹ cao. Loại hình nghệ thuật này không chỉ là một kỹ năng thể hiện được sự khéo léo qua từng đường kim mũi chỉ mà còn là hoạt động tu dưỡng, chữa lành. Mỗi tác phẩm được tạo ra từ thêu tay truyền thống, kết tinh từ những sợi chỉ óng ả, nhiều màu sắc thể hiện được nét độ đáo, mang đậm tâm hồn người Việt.
1.2 Lịch sử phát triển
Thêu tay truyền thống ở nước ta theo nhiều tài liệu ghi lại nó đã có từ thời vua Hùng. Họ thường thêu các họa tiết như: cỏ cây, hoa lá chim thú, cảnh sinh hoạt trên khăn, xiêm y,…Sách “Lịch sử Việt Nam” tập 1 ghi lại rằng: “Người Lạc Việt mặc áo chui đầu, áo cài khuy bên trái, những chàng trai có khăn khố đẹp, những cô gái có váy áo thêu…”. Về sau, ổng tổ Nguyễn Công Hành đã tạo cơ hội cho nghề thêu tay được du nhập từ Trung Quốc vào và phát triển thành làng nghề tại vùng Quất Động.
Đến thời nhà Nguyễn, thêu tay truyền thống được bà Hoàng Thị Cúc và hoàng hậu Nam Phương phát triển hơn. Nghệ thuật thêu tay truyền thốn được kết hợp với các chi tiết mang phong cách từ phương Tây. Từ đó tạo nên những kỹ thuật thêu của Cung đình Huế và còn vang danh đến ngày nay.
Từ cuối thế kỷ 19, các sản phẩm thêu tay truyền thống của Việt Nam được đánh giá cao. “Người thợ thêu tay Việt Nam tỏ ra rất khéo léo trong việc phân bổ màu sắc trên lụa, để có những bức tranh thêu hòa hợp…”. Sau này nghề thêu tay truyền thống phát triển mạnh từ Quất Động đến Thắng Lợi, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Phú Xuyên, Cổ Đông, Đông Cứu, Bình Lăng (Hà Nội); Văn Lâm (Ninh Bình), Minh Lãng (Thái Bình), Thanh Hà (Hà Nam), Kim Long, Thuận Lộc (Huế), Bảo Lộc (Lâm Đồng)…
2. Các mũi thêu tay truyền thống từ cơ bản đến nâng cao
Qua nhiều thăng trầm, sự phát triển của thị trường thì nghệ thuật thêu tay truyền thống phát triển theo hướng phù hợp với nhu cầu của khách hàng hơn. Đó chính là thêu lên các sản phẩm thời trang, áo dài, khăn trải bàn, chăn gối hay những sản phẩm như ví, túi, kẹp tóc hay những phụ kiện làm đẹp nhỏ nhắn…Bên cạnh đó, thêu tay truyền thống còn phát triển theo hướng nâng cao hơn đó chính là kỹ thuật thêu 2 mặt, thêm một mành, thêu 2 mành, thêu chỉ nước bóng. Các sản phẩm làm ra có đường chỉ càng mịn, chân càng lẩn thì càng có giá trị nghệ thuật cao.
Để tạo nên những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, những người thợ thêu tay đã ứng dụng các mũi thêu như:
Mũi thêu đột khít (Back stitch)
Mũi thêu đột khít có tên tiếng anh là Back Stitch. Mũi thêu này được xem là mũi thêu cơ bản mà bạn nào mới bắt đầu học thêu đều phải biết. Mũi thêu đột khít có nơi còn gọi là mũi thêu giật lùi, hay mũi đột mau. Trong nghệ thuật thêu tay truyền thống, mũi thêu này được sử dụng để thêu các nước nét, thêu phác thảo các hình dạng và các chi tiết, viên họa tiết của tranh. Ngoài ra, mũi thêu này còn được sử dụng để thêu chữ. Tùy vào chi tiết hình thêu, chữ thêu mà mũi đột khít có thể thay đổi độ dày giúp tạo nên những đường cong, uốn lượn phức làm.
Mũi thêu xoắn bọ (Bullion stitch)
Mũi thêu xoắn bọ bởi hình dáng của mũi thêu này giống như một con bọ. Mũi thêu xoắn bọ nhìn phức tạp nhưng khi làm vô cùng dễ dàng. Những người thợ sử dụng mẫu thêu xoắn bọ để tạo nên các mẫu hoa, lá, tóc, lúa…Với mũi thêu này trước tiên bạn nên dùng kim phù hợp để tạo nên những mũi thêu đẹp. Kim để thêu mũi xoắn bọ cần có lỗ xâu kim nhỏ, bằng với trục kim. Bạn không nên sử dụng kim có lỗ xâu to so với trục kim vì như vậy rất khó kéo chỉ ra khỏi kim.
Mũi thêu bó hạt (Satin Stitch)
Mũi thêu này còn được gọi là mũi thêu bó bạt, sử dụng những đường thêu thẳng, song song với nhau. Mũi thêu bó hạt thường ứng dụng để thêu lấp đầy bên trong hoa, lá, chữ nét dày,…Mũi thêu này sử dụng nhiều trong thêu tay truyền thống, nhìn thì đơn giản những muốn thêu ra những hoạt tiết sử dụng mũi thêu bó hạt sáng bóng, mềm mại thì mới bắt đầu thêu sẽ chưa làm được.
Mũi thêu đâm xô (Long & short stitch)
Nghệ thuật thêu tay truyền thống thường ứng dụng mũi thêu đâm xô để tạo nên những sản phẩm thêu tay lớn. Mũi thêu này sẽ giúp chuyển màu thêu dễ dàng, sẽ tạo những những sản phẩm thêu tay vô cùng bắt mắt. Thêu đâm xô có thể thêu tương tự như bó hạt nó là sự kết hợp đan xen nhau bằng những mũi thêu bó hạt dài ngắn khác nhau.
3. Các bước hoàn thiện một sản phẩm thêu tay
Để hoàn thành một sản phẩm thêu tay trước tiên bạn phải cần có nguyên vật liệu để bổ trợ cho thêu thùa. Và nếu đã có nguyên vật liệu bạn cần hình dung hoặc đã lựa chọn mẫu muốn thêu, sau đó sẽ tiến hành sao mẫu hoặc vẽ mẫu. Cùng mình tìm hiểu xem cần có nguyên vật liệu và sao mẫu thế nào nhé.
3.1 Chuẩn bị nguyên vật liệu
Khung thêu
Thông thường khung thêu sẽ được làm bằng gỗ hoặc tre ghép với nhau thành hình vuông, chữ nhật hay hình tròn tùy theo kích cỡ mà thợ lựa chọn khung thêu to nhỏ phù hợp. Hiện nay, khung thêu đa dạng hơn về chất liệu cũng như kiểu dáng và bạn có thể dễ dàng tìm kiếm ở những cửa hàng bán phụ liệu thêu tay. Đa số người thêu tay tại nhà đều chọn những khung thêu nhỏ, nhẹ và tiện lợi thích hợp những mẫu thêu nhỏ gọn.
Vải thêu
Trong nghệ thuật thêu tay truyền thống thì vải thêu sẽ không giống tranh thêu chữ thập. Thêu tay truyền thống sử dụng chất liệu đa dạng hơn, từ vải thô đến lụa hay cả những chất liệu cao cấp khác. Với những người bắt đầu thêu, thì nên sử dụng vải thô, mềm, sợi vải không quá lỏng lẻo hoặc quá chặt. Điều này sẽ giúp bạn dễ thêu hơn, tránh trường hợp lãng phí vải, nếu lỡ mắc thêu không thể sửa.
Chỉ thêu
Chỉ thêu là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên nghệ thuật của một sản phẩm thêu tay. Chỉ thêu theo mình thì có 2 loại cơ bản đó là chỉ cotton và chỉ tơ bóng.
Một ưu điểm lớn của tranh thêu tay đó là chỉ thêu rất đa dạng về màu sắc với chất lượng tốt. Chính nhờ điều này mà những tác phẩm tranh thêu tay thường được phối màu rất tốt tạo sự hài hòa, uyển chuyển, sống động và chân thật. Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều loại chỉ thêu với đa dạng màu sắc, đẹp và sang, sợi chỉ mượt, thêu lại không bị xù.
Chỉ thêu được sử dụng trong thêu tranh tay không chỉ đa dạng về màu sắc, mà còn có sự khác nhau về chất liệu và kích cỡ. Việc lựa chọn chất liệu và kích cỡ chỉ thêu cũng phụ thuộc vào chất liệu của nền vải thêu mà bạn đã lựa chọn trước đó. Nếu vải thêu được làm bằng chất liệu thô, sợi vải sẽ có độ thưa hơn, vì vậy bạn nên lựa chọn chỉ thêu có kích thước to hơn để bù đắp cho khuyết điểm của vải. Ngược lại, nếu vải thêu là chất liệu lụa cao cấp, bạn nên lựa chọn những loại chỉ thêu có kích thước nhỏ, chất liệu mềm và mượt, không bị bông xù. Sự lựa chọn chỉ thêu khéo léo, phù hợp với vải thêu sẽ giúp tổng thể của bức tranh đẹp hơn nhiều, giá trị của tranh cũng tăng lên.
3.2 Hoàn thành tác phẩm thêu tay
Sau khi chuẩn bị các vật liệu hay dụng cụ thêu bạn tiếp tục vẽ mẫu cần thêu và bắt đầu ứng dụng các mũi thêu đã học vào tác phẩm của mình. Mỗi sản phẩm thêu tay được xem là duy nhất bởi mỗi sản phẩm đều tự tay làm lấy, đều mang giá trị tình cảm dành cho bản thân hay người được nhận quà.
4. Nghệ thuật thêu tay truyền thống và xu hướng hiện nay
Qua hàng thế kỷ, nghệ thuật thêu tay được phân ra dạng rõ rệt đó là thêu tay truyền thống và hiện đại. Với thêu tay truyền thống đa số các tác phẩm tạo ra là tranh phong cảnh, thiên nhiên, chân dung yêu cầu mũi thêu nhỏ, chỉ tơ bóng, hoặc chỉ mảnh trên nền vải lụa và thời gian hoàn thành khá dài. Nghệ thuật thêu truyền thống có độ chuyển màu rất mượt mà, uyển chuyển tạo ra sự mềm mại gần như các sản phẩm vẽ màu.
Với thêu tay hiện đại, chủ đề đa dạng hơn đi kèm với nhiều phong cách thêu khác nhau. Thêu tay hiện đại có tính ứng dụng cao, có thể thêu trên mọi chất liệu: linen, jeans, kaki, canvas, da, hay cả những chất liệu đai. Bên cạnh đó, thêu tay hiện đại có tính sáng tạo cao, mỗi sản phẩm tạo ra sẽ có cá tính riêng của người thợ. Vì thế nghệ thuật thêu tay truyền thống không phải mai một mà nó phát triển theo hướng thích ứng hơn với nhu cầu của người sử dụng.
Các sản phẩm thêu tay có thể ứng dụng cả 2 dạng thêu tay truyền thống và thêu tay hiện đại. Việc ứng dụng 2 dạng thêu phụ thuộc vào bàn tay khéo léo của các người thợ lành nghề. Các sản phẩm thêu tay tạo ra sẽ là duy nhất và có thể là độc bản. Bởi kỹ thuật thêu, mũi thêu hay cả sự phối màu của từng sản phẩm là duy nhất. Ai đã yêu thích thêu tay, thích các sản phẩm từ thêu tay chính là thích sự độc đáo từ nó.
Hiện nay, nghệ thuật thêu tay truyền thống đã trở nên quen thuộc với các bạn trẻ. Và “món nghề” này đã trở thành bộ môn giải trí, chữa lành vô cùng hiệu quả. Các lớp học, các workshop được mở thường xuyên thu hút nhiều học viên tham gia. Các sản phẩm thêu tay cũng được quan tâm đặc biệt là các sản phẩm có tính ứng dụng cao. Từ đó không làm cho thêu tay truyền thống trở nên xa lạ, Nó được ứng dụng vào một số ngành như thời trang, may mặc, các hoạt động ngoại khóa…
Dựa vào nhu cầu của khách hàng, đôi bàn tay khéo léo của những người thợ đã ứng dụng nghệ thuật thêu tay truyền thống vào các ngành nghề phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Tuy số liệu thống kê ngành không cao so với những ngành khác nhưng thêu tay vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng của tệp khách hàng yêu thích những đường kim mũi chỉ. Những người yêu thích giá trị truyền thống, thẩm mỹ mà không một máy móc nào có thể thay thế được. Và nghệ thuật thêu tay truyền thống hay hiện đại luôn nhận được sự yêu thích của các bạn trẻ hiện nay.
Wow !
Thank you!
Pingback: DIY ai cũng có thể làm, bạn cũng vậy! - DIYbythu
love
Pingback: 5 mẫu áo linen thêu tay phù hợp với chị em công sở - DIYbythu
Pingback: Top 5 quà tặng handmade cho người nước ngoài - DIYbythu